Giỏ hàng

KINH TÚC THÁI ÂM TỲ

( mỗi bên có 21 huyệt)

AĐường điBắt đầu từ góc trong móng chân cái dọc theo đường nối da mu bàn chân và da gan bàn chân đến đầu sau xương bàn chân thứ nhất; rẽ lên trước mắt cá trong, lên cẳng chân dọc bờ sau xương chày, bắt chéo kinh can, rồi đi ở phía trước kinh này lên mặt trong khớp gối, phía trước của mặt trong đùi, đi vào trong bụng (thuộc) về tạng Tỳ, liên lạc với Vị, xuyên qua cơ hoành đi qua ngực đến Chu vinh xuống Đại bao, rồi lại đi lên dọc hai bên thanh quản thông với cuống lưỡi, phân bố ở dưới lưỡi.

Phân nhánh: Từ vị qua cơ hoành đi vào giữa Tâm để nối với kinh Thiếu âm ở tay.

B. Biểu hiện bệnh lý:

  • Kinh bị bệnh: Người ê ẩm, nặng nề, da vàng, lưỡi cứng đau, mặt trong chi dưới phù, cơ ở chân ở tay teo.
  • Tạng bị bệnh: Bụng trên đau, bụng đầy, ăn không tiêu, nôn, nuốt khó, vùng tâm vị đau cấp, ỉa chảy, đái không lợi.

CTrị các chứng bệnh:  Ở dạ dày, ruột, hệ sinh dục, tiết niệu.
 

ẨN BẠCH

(Huyệt Tỉnh thuộc Mộc)

Vị trí:- Ở mé trong ngón cái, cách góc móng chân bằng lá hẹ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở góc trong gốc móng chân ngón cái độ 0,2 tấc, trên đường tiếp giáp da gan chân với da mu chân, của bờ trong ngón chân cái.

Giải phẫu: Dưới dalà xương đốt 2 ngón chân cái. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: chân lạnh.

     - Theo kinh: liệt chân do di chứng trúng phong, đầy bụng.

     - Toàn thân: không muốn ăn, nôn, ỉa chảy, băng lậu, điên cuồng, mạn kinh phong.

Cách châm cứu: Châm 0,1-0,2 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Huyết hải, Khí hải, Tam âm giao chữa kinh nguyệt quá nhiều.

 

ĐẠI ĐÔ

( Huyệt Hùynh thuộc Hỏa)

Vị trí: - Ở phía trong gốc ngón cái, chỗ lõm mé trong ngón chân( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

-. Lấy trên đường tiếp giáp da gan chân với da mu chân của bờ trong ngón chân cái, ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu sau xương đốt 1 ngón cái.

Giải phẫu: Dươí da là chỗ bám của gân cơ dạng ngón chân cái, bờ trong đầu sau đốt 1 ngón chân cái. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau bàn chân.

     - Theo kinh: Đau quanh mắt cá trong.

     - Toàn thân: Đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, táo bón, ỉa chảy, người nặng nề, sốt không có mồ hôi.

Cách châm cứu: Châm 0,1-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

THÁI BẠCH

( Huyệt Du thuộc Thổ, Huyệt Nguyên)

Vị trí: - Ở chỗ lõm dưới xương mé trong bàn chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy).

- Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan chân với da mu chân ở bờ trong bàn chân, ngang chỗ tiếp nối với thân của đầu trước, xương bàn chân 1.

Giải phẫu: Dưới da là cơ dạng ngón chân cái và cơ gấp ngắn ngón cái, gân cơ gấp dài ngón chân cái, mặt dưới đầu trước xương bàn chân 1. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
     
- Tại chỗ: Đau, sưng bàn chân.

     - Theo kinh: Đầy bụng, đau bụng.

     - Toàn thân: Ăn không tiêu, nôn, kiết lî, táo bón, thổ tả, người nặng nề, khó chịu, sốt không có mồ hôi.

Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới xương, mũi kim hướng vào lòng bàn chân,sâu 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

CÔNG TÔN

( Huyệt Lạc nối với kinh Vị, giao hội với mạch Xung)

Vị trí: - Ở sau đốt 1 ngón chân cái 1 tấc, trước mắt cá trong (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành )

- Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan chân với da mu chân ở bờ trong bàn chân, ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu sau xương bàn chân 1.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày sau, Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
     
- Tại chỗ: Đau bụng dưới, đau dạ dày.

     - Toàn thân: Không muốn ăn, nôn, động kinh.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc, luồn dưới xương. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Túc tam lý, Nội quan, Nội đình chữa chảy máu đường tiêu hóa.

 

THƯƠNG KHÂU

( Huyệt Kinh thuộc Kim)

Vị trí: - Ở chỗ lõm dưới mắt cá trong chân, hơi nhích về phía trước (Giáp ất, Đông nhân, Đại thành, Phát huy).

- Sờ tìm gân cơ cẳng chân sau ở dưới mắt cá trong chân (gấp duỗi bàn chân để tìm) và khe khớp sên-thuyền ở thẳng dưới bờ trước mắt cá trong. Huyệt ở trong chỗ lõm tạo nên bởi gân cơ cẳng chân sau sát khe khớp sên-thuyền.

Giải phẫu: Dưới da là bờ trên gân cơ cẳng chân sau, sát khe khớp gót -sên- thuyền. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4 hay L5.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau, sưng mắt cá trong.

     - Theo kinh và toàn thân: Đau mặt trong đùi, lách to, đầy bụng, sôi bụng, ăn không tiêu, nôn, ỉa lỏng, táo bón, hoàng đản, kinh phong trẻ em, cứng lưỡi.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

TAM ÂM GIAO

( Huyệt Hội của 3 kinh Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm ở chân)

Vị trí: - Ở trên mắt cá trong 3 tấc, chỗ lõm dưới xương (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

- Lấy ở chỗ lõm ở sát bờ sau-trong xương chày, trên chỗ lồi cao nhất của mắt cá trong chân 3 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau-trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Sưng, đau cẳng chân.

     - Theo kinh và toàn thân: Đau do thóat vị, tiêu hóa kém, đầy bụng không muốn ăn, ăn không tiêu, nôn, ỉa chảy, kinh nguyệt không đều, rong kinh, khí hư, bế kinh, di mộng tinh, đau dương vật, đái khó, đái buốt, đái dầm, toàn thân đau nhức nặng nề, mất ngủ.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

LẬU CỐC

Vị trí: - Ở trên mắt cá trong 6 tấc, chỗ lõm dưới xương (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở chỗ lõm sát bờ sau trong xương chày, trên chỗ lồi cao nhất của mắt cá trong 6 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau trong xương chày, bờ trong cơ dép, cơ gấp dài các ngón chân, cơ cẳng chân sau. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau cẳng chân, cẳng chân lạnh và tê.

     - Theo kinh và toàn thân: Đầy bụng, sôi bụng.

Cách châm cứu: Châm 0,5 - 1 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

ĐỊA CƠ

( Huyệt Khích)

Vị trí: - Ở dưới đầu gối 5 tấc ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

 - Lấy ở sát bờ sau- trong xương chày, dưới huyệt Âm lăng tuyền 3 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau-trong xương chày, chỗ bám của cơ sinh đôi trong cơ dép và cơ gấp dài các ngón chân, cơ cẳng chân sau. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

Tác dụng:
     - Theo kinh: Tức bụng, căng tức sườn.

     - Toàn thân: Không muốn ăn, đau lưng, đái khó, di mộng tinh, trưng hà, kinh nguyệt không đều.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 10-20 phút.

 

ÂM LĂNG TUYỀN

( Huyệt Hợp thuộc Thủy)

Vị trí: - Ở mé trong dưới đầu gối, chỗ lõm dưới xương ống chân ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở điểm gặp nhau ở chỗ lõm ở sau bờ sau trong đầu trên xương chày với đường ngang qua chỗ lồi cao nhất của củ cơ cẳng chân trước của xương chày.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau - trong và mặt sau đầu trên xương chày chỗ bám của cơ kheo, dưới chỗ bám của cơ bán mạc mặt trước cơ sinh đôi trong. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày sau và nhánh của dây thần kinh hông kheo. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
     - Đau sưng gối.

     - Theo kinh và toàn thân: Đau chân, lạnh trong bụng, không muốn ăn, sườn ngực căng tức, bụng có nước, di tinh, đau dương vật, đái không tự chủ, đái khó, đái dầm.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

HUYẾT HẢI

Vị trí:- Ở mé trong đầu xương bánh chè thẳng lên 2 tấc bờ thịt trắng đỏ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở trên góc trong xương bánh chè 2 tấc, trong khe lõm giữa cơ may và cơ rộng trong, ấn vào có cảm giác ê ẩm.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ may và cơ rộng trong, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh đùi. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau mé trong đùi.

     - Toàn thân: Kinh nguyệt không đều, rong kinh, mẩn ngứa, dị ứng.

Cách châm cứuChâm 0,5- 1 tấc. Cứu 10-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Khúc trì, Phong thị để chữa mẩn ngứa, dị ứng.

 
 

CƠ MÔN

Vị trí: - Ở trên Huyết hải, khoảng giữa 2 gân phía trong đùi (Tuần kinh); chỗ mạch đập phía trong đùi giữa gân cơ đùi trong (Đại thành).

- Lấy ở chỗ lõm tạo nên bởi bờ ngoài cơ may, bờ trong cơ thẳng trước đùi và cơ rộng trong, ở trên bờ trên xương bánh chè 8 tấc (duỗi thẳng chân và xoay đùi ra ngoài chỗ lõm này sẽ nổi rõ)

Giải phẫu: Dưới da là khe cơ may và cơ rộng trong, gần bờ trong cơ thẳng trước đùi, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của thần kinh đùi. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
     
- Tại chỗ: Đau, sưng hạch bẹn.

     - Toàn thân: Bí đái, đái dầm.

Cách châm cứu: Châm 0,3 -0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

XUNG MÔN

( Huyệt Hợp của kinh Thái âm với Quyết âm ở chân)

Vị trí: - Ở dưới huyệt Đại hoành 5 tấc cách mạch Nhâm 3,5 tấc (Giáp ất)

- Sờ tìm động mạch đùi ở bẹn, lấy huyệt ở sát phía dưới nếp bẹn và ở ngay ngoài động mạch.

Giải phẫuDưới da là bờ ngoài bó mạch thần kinh đùi, khe giữa cơ chậu và cơ lược, cơ bịt ngoài, cơ sinh đôi dưới. Thần kinh vận động cơ là các ngành ngang của đám rối thắt lưng, nhánh của dây thần kinh cơ da, các nhánh thần kinh bịt. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L1.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau bụng dưới, thoát vị bẹn, bí tiểu tiện.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Tránh châm vào động mạch.
 

PHỦ XÁ

(Huyệt Hội của kinh Thái âm với Quyết âm ở chân và mạch Âm duy)

Vị trí: - Ở dưới huyệt Phúc kết 3 tấc, thẳng với hai đầu vú, cách mạch Nhâm 4 tấc ( Châm phương). Dưới huyệt Phúc kết 3 tấc, cách đường giữa bụng 4,5 tấc (Đại thành).

- Lấy ở trên huyệt Xung môn 0,7 tấc ngoài mạch Nhâm 4 tấc.Ngoài động mạch đùi, trên nếp bẹn.

Giải phẫuDưới da là khe giữa hai bó của cơ đái-chậu xương đùi. Thần kinh vận động cơ là các ngành ngang của đám rối thắt lưng. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L1.

Tác dụng:
     -Tại chỗ: Đau bụng, thoát vị, trưng hà.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Tránh châm vào động mạch. Có thai không châm sâu.

 
 

PHÚC KẾT

Vị trí: - Ở dưới huyệt Đại hoành 1,3 tấc, thẳng với hai đầu vú, cách mạch Nhâm 4 tấc (Châm phương)

- Lấy ở điểm gặp nhau của đường dọc qua núm vú và đường ngang qua mạch Nhâm ở dưới rốn 1,3 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ chéo to của bụng, mạc ngang, phúc mạc, đại tràng lên hay đại tràng xuống. Thần kinh vận động cơ do 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12.

Tác dụng:
     -Tại chỗ và theo kinh: Đau bụng dưới, đau xung quanh rốn, táo bón, kiết lỵ.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: có thai không châm sâu.

 

ĐẠI HOÀNH

( Huyệt Hội của kinh Thái âm ở chân với mạch Âm duy)

Vị trí: - Ở dưới huyệt Phúc ai 3 tấc, ngang bên rốn, thẳng với hai đầu vú, cách mạch Nhâm 4 tấc ( Châm phương)

- Lấy ở điểm gặp nhau của đường dọc qua núm vú và đường ngang qua rốn.

Giải phẫu: Dưới da là cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, phúc mạc, đại tràng lên hay xuống. Thần kinh vận động cơ do 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh D10.

Tác dụng:
     - Tại chỗ và theo kinh: Đau bụng dưới, rối loạn tiêu hóa, táo bón, kiết lỵ.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Có thai không châm sâu.

 

PHÚC AI

( Huyệt Hội của kinh Thái âm ở chân với mạch Âm duy)

Vị trí: - Ở trên Đại hoành 3 tấc, thẳng với hai đầu vú cách mạch Nhâm 4 tấc (Châm phương).

- Lấy ở điểm gặp nhau của đường dọc qua núm vú và đường ngang qua huyệt Kiên lý (trên rốn 3 tấc)

Giải phẫu: Dưới da là cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, phúc mạc, đại tràng ngang, bờ gan hay bờ lách.

Thần kinh vận động cơ là do 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D8.

Tác dụng:
     - Tại chỗ và theo kinh: Đau bụng do không tiêu, rối loạn tiêu hóa, táo bón,kiết lỵ.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu và chếch mũi kim lên trên vì làm tổn thương gan hoặc lách.

 

THỰC ĐẬU

Vị trí: - Ở dưới huyệt Thiên khê 1,6 tấc cách đường dọc giữa ngực 6 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy bờ trên xương sườn 7, phía ngoài mạch Nhâm 6 tấc thường ở đường nách trước, dơ tay cao để lấy huyệt.

Giải phẫu: Dưới da là phần gân cơ chéo to của bụng, cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 6, vào trong là phổi. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh gian sườn 6. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D5.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau tức ngực, đau dây thần kinh gian sườn.

Cách châm cứu: Châm 0,2- 0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì dễ gây tổn thương phổi.

 
 

HUNG HƯƠNG

Vị trí- Ở chỗ lõm dưới huyệt Chu vinh 1,6 tấc cách đường dọc giữa ngực 6 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

- Lấy ở bờ trên xương sườn 5, phía ngoài mạch Nhâm 6 tấc thườg ở đường nách trước.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, cơ ngực bé, cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 4 vào trong là phổi. Thần kinh vận đọng cơ là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh ngực bé và dây thần kinh gian sườn 4. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D3.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau tức ngực sườn, đau dây thần kinh liên sườn, quay lưng khó.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì dễ gây tổn thương phổi.

 
 

CHU VINH

Vị trí: - Ở chỗ lõm dưới huyệt Trung phủ 1,6 tấc, cách đường dọc giữa ngực 6 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở bờ trên xương sườn 4, phía ngoài mạch Nhâm 6 tấc, thườg ở đường nách trước.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, cơ ngực bé, cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 3, vào trong là phổi. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh ngực bé và dây thần kinh gian sườn 3. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau tức ngực sườn, ho, đau dây thần kinh gian sườn.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì dễ gây tổn thương phổi.

 

ĐẠI BAO

( Huyệt Đại lạc của kinh Tỳ)

Vị trí: - Ở dưới huyệt Uyển dịch 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở điểm gặp nhau của đường nách giữa và bờ trên xương sườn 7. Dưới nách 6 tấc (lần đếm từ xương sườn 10 lên).

Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ lưng to, cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 6, vào trong là phổi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của đám rối thần kinh cánh tay, dây TK gian sườn 6. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D6.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau tức ngực sườn, hen suyễn, khó thở.

     - Toàn thân: Khắp người đau mỏi nặng nề, đau các khớp, tay chân yếu sức.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu, dễ gây tổn thương phổi.

Hotline 0335588355